Đám đông và thiểu số

Trong chứng khoán thường có câu "Thị trường luôn đúng". Nhưng chúng ta có bao giờ thắc mắc "Ngài thị trường" là ai không? Đó có phải là mấy ông Quản lý quĩ như Mr. "Tóc dài" hay Ngài Chủ tịch công ty chứng khoán "anh hùng" không? Hoặc có ai lại nghĩ là mấy vị UB và Hose như Mr. Tea hay không? Chắc chắn mấy vị đáng kính đó là những "cao thủ", tác động nhiều đến thị trường chứng khoán rồi. Nhưng không một ai trong số đó có thể tạo ra và thay đổi được xu hướng. Thị trường chứng khoán giống như một xã hội thu nhỏ, người Leader (lãnh đạo) định hướng, điều hành và đảm bảo sự trật tự của nó. Còn đám đông (nhân dân) tạo dựng thành xu hướng.

Chỉ số DJ đã tăng từ 18.000 lên con số kỷ lục 30.000, trong nước thì Vn-index từ 650 lên 1100 chỉ trong 9 tháng. Người ta hay nói chứng khoán là tấm gương phản ánh nền kinh tế, nhưng hiện nay chúng ta đang đứng trước nghịch lý. Thực ra, phải nói chính xác hơn, chứng khoán phản ánh KỲ VỌNG TƯƠNG LAI của nền kinh tế. Có hai điểm cốt lõi trong cơn sóng thần của chứng khoán lần này là SỰ PHỤC HỒI và TIỀN RẺ. Hai yếu tố này lại gắn kết tương hỗ chặt chẽ với nhau. Để sự phục hồi diễn ra chắc chắn và kéo dài, lãi suất sẽ phải duy trì thấp trong thời gian đủ lâu. Tất nhiên, kéo dài quá lâu cũng gây ra những hệ lụy như lạm phát, tỷ giá hay cuộc chiến thương mại. Nhưng cá nhân tôi tin rằng, kỷ nguyên "bơm tiền" sẽ được tính bằng năm.

Vậy ai là thành phần "Thiểu số" định hướng được cho đám đông? Tôi còn nhớ khi chứng khoán lao dốc hồi 2008, có một vị lãnh đạo đã phát biểu một câu nói để đời: "Nếu có tiền tôi cũng mua chứng khoán". Đó là sự thể hiện định hướng thị trường. Thế nhưng trái với lòng mong muốn đó, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục lao dốc thê thảm hơn. Rõ ràng, dù là những nhà lãnh đạo nhưng nếu không thể có những giải pháp, chính sách đi kèm, thì không thể "bảo" được thị trường. Cũng tương tự như thế, ngay cả những Tiến sỹ hay học giả uy tín hàng đầu, nhưng nếu chỉ đơn thuần "chém gió" lý thuyết suông, không hiểu thực tiễn của thị trường chứng khoán, thì mãi mãi giá trị vẫn chỉ nằm trên giấy. Thành phần "Thiểu số" chính là những cơ quan mang tính quyết định vĩ mô như FED, NHTW các nước hay NHNN VN. Phải luôn nhìn vào những động thái của các cơ quan này để hiểu định hướng và sự điều hành.

Nhưng kể cả có định hướng rõ ràng, mà không lan tỏa được, thì cũng vô nghĩa. Chỉ khi những chính sách được hưởng ứng, tức đám đông chính là thành phần quyết định của xu hướng. Bản chất "Ngài thị trường" chính là đám đông. Một khi xu hướng đã hình thành, việc "bẻ lái" trong ngắn hạn gần như là không thể. Đừng cố chống lại xu hướng. Có những người luôn thích "khôn" hơn thị trường, đó là sự nhảm nhí. Cho dù chỉ có 5% là người chiến thắng khi ra khỏi cuộc chơi, nhưng như tôi đã từng nói, chứng khoán có 2 mặt diễn ra theo từng giai đoạn. Có lúc là cỗ máy in tiền hào phóng dành cho tất cả các nhà đầu tư, có lúc sẽ biến thành chiếc máy nghiền khắc nghiệt nhất. Người chiến thắng là người biết tham gia vào lúc nào. Và điều quan trọng hơn, hãy đừng đoán đỉnh, đừng "chém gió" tào lao. Hãy dùng năng lượng để quan sát và nhận biết định hướng của "Thiểu số", xu hướng của "Đám đông", để hòng áp dụng cho bản thân.

Xu hướng được hình thành bởi "Đám đông". Chính vì thế, cũng không cần quá khác biệt, hoang tưởng và lập dị. Còn "Đám đông" không phải chỉ là bạn và tôi, mà là cả một thị trường rộng lớn. Có rất nhiều người không bao giờ đọc FB, có rất nhiều người thậm chí không biết đến các công ty chứng khoán. Nhưng họ biết định hướng, có thực lực và vốn liếng đầu tư. Dấu hiệu nhận biết họ chỉ là những con số, những dòng tiền ra vào thị trường. Một khi thanh khoản tiếp tục thể hiện sự dồi dào, xu hướng được "Đám đông" dẫn dắt vẫn sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh. Dù có thể có những biến cố bất ngờ, chưa đoán định (ví dụ như cuộc họp lưỡng viện Hoa kỳ trong tuần này), nhưng tất cả chỉ là những rung lắc trong xu hướng tăng trưởng. Chúng ta cùng tin tưởng chứng khoán VN sẽ sớm chinh phục kỷ lục mọi thời đại 1200.