Nới biên độ tỷ giá USD/VND, tiếp theo sẽ là gì?

1. Giữ sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

Trước khi chính thức mở biên độ giao dịch, thì tỷ giá USD/VND thường được giao dịch loanh quanh mốc 23,800 đồng, tức là VND mất giá khoảng 4.7% so với USD kể từ đầu năm. Trong bối cảnh đồng USD lên giá liên tục so với hầu hết tất cả các đồng tiền khác trên thế giới thì có thể nói VND là một đồng tiền lên giá trong những tháng đầu năm 2022. Trong khi các đồng tiền khác mất giá từ 10-15% thậm chí là 20% so với đồng USD, thì việc VND chỉ mất giá 4.7% có nghĩa là VND đang mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền khác. Điều này vô hình chung làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến các quốc gia khác trở nên mắc hơn so với trước. Đương nhiên nó sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến lượng tiêu thụ của các khách hàng mà chúng ta đã xuất khẩu. Khi hàng hóa của chúng ta trở nên mắc mỏ hơn thì yếu tố cạnh tranh của hàng Việt Nam cũng sẽ giảm đi đáng kể so với các đối thủ khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ...Do đó, việc mở biên độ tỷ giá sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam phần nào gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường so với đối thủ và giúp cho khách hàng mua hàng của Việt Nam với chi phí tốt hơn. Điều này sẽ có tác động tích cực trong việc gia tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

2. Hạn chế nhập khẩu

Việc đồng VND trở nên mạnh hơn đã thúc đẩy gia tăng nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ như oto. Do đó, việc nới biên độ tỷ giá làm cho tỷ giá gia tăng sẽ giúp cho việc nhập khẩu, trongn đó bao gồm nhập khẩu tiêu dùng, sẽ được hạn chế đáng kể. Từ đây, sẽ giúp cho quốc gia tiết kiệm nguồn ngoại hối và cải thiện cán cân thương mại.

3. Bảo vệ kho dự trữ ngoại hối

Ngoài hai lý do trên, việc bảo vệ kho dự trữ ngoại hối cũng là một trong những lý do chính. Trong môi trường đồng USD vẫn tiếp tục tăng lên khi FED dự kiến sẽ liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì chính phủ Việt Nam đã phải bán ra 25-30 tỷ USD (theo ước tính của 1 số tổ chức tài chính) nhằm can thiệp vào thị trường ngoại hối và giữ vững sức mạnh của đồng VND. Tuy nhiên, do việc VND vẫn đang mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền khác (dù sau khi mở biên độ tỷ giá) thì việc hạ giá VND chút xíu để giảm mức ngoại hối phải bán ra để can thiệp sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều. Nếu chúng ta cứ khăng khăng giữ đồng VND neo theo USD một cách tuyệt đối thì vô hình chung, chúng ta sẽ làm kho dự trữ cạn dần và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính của Việt Nam. Do đó, hạ giá bớt VND là việc hết sức nên làm.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lo lắng về động thái này bởi sau khi chúng ta nới rộng biên độ tỷ giá thì VND vẫn trong tình trạng mạnh lên đáng kể so với hầu hết các đồng tiền khác. Về mặt tâm lý mà nói, việc VND giảm đi gần 7% so với USD (đang tăng lên mạnh mẽ) là điều hoàn toàn chấp nhận được bởi nhìn vào bảng bên dưới có thể thấy, hầu hết các đồng tiền khác vẫn rớt 10-20% so với USD.

Ảnh hưởng và tác động đến các doanh nghiệp thế nào?

1. Có lợi cho xuất khẩu

Việc này sẽ giúp ích cho những doanh nghiệp xuất khẩu chủ đạo có nguồn thu từ ngoại tệ như các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, đồ gỗ, nông sản, ... Giúp họ bán được nhiều hơn, hàng cạnh tranh hơn và các khoản chênh lệch tỷ giá sẽ hỗ trợ cho bảng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Bất lợi cho nhập khẩu

Ngược lại các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu để sản xuất và bán hàng trong nước thì áp lực từ việc giá nguyên vật liệu tăng cao, buộc họ phải điều chỉnh giá bán ra sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi của doanh nghiệp đó. Ngoài ra các khoản chênh lệch tỷ giá cũng có thể gây ra các khoản chi phí tài chính đáng kể cho doanh nghiệp

3. Nguy hại cho vay nợ nước ngoài bằng USD

Các doanh nghiệp có các khoản nợ bằng ngoại tệ là USD sẽ phải chịu áp lực lớn khủng khiếp khi chi phí tài chính của họ sẽ gia tăng một cách đáng kể.

Tóm lại, việc nới rộng biên độ tỷ giá là một bước đi thích hợp vào thời điểm này và mang tính ổn định vĩ mô, tài chính cho đất nước. Nhưng nó cũng tạo ra những ảnh hưởng nhất định (có lợi và bất lợi) cho những doanh nghiệp kinh doanh trên sàn. Hãy tìm hiểu kỹ và đưa ra những tác động mà doanh nghiệp bạn đang đầu tư phải đối mặt.