Kinh tế hồi phục kéo tăng trưởng ngân hàng

Theo ADB, Covid-19 đã làm nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 5,8-8,8 nghìn tỷ USD, tương đương với 6,4-9,7% GDP toàn cầu. Tuy nhiên ở Việt Nam dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ trong triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cả về tài khoá và tiền tệ đã giúp nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương dù có thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Do là ngành kinh tế tổng hợp nên ngân hàng cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch.

Cổ phiếu ngân hàng chuyển sàn liệu có hấp dẫn?

Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngân hàng năm 2021

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận thấy, triển vọng của ngành Ngân hàng năm 2021 tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước. Mặc dù hiện Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch, tuy nhiên vẫn có rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại khi ở nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Nếu sang năm 2021 có vắcxin, Chính phủ các quốc gia có các biện pháp phòng, chống, kiểm soát được dịch thì nền kinh tế toàn cầu có thể dần khôi phục trở lại. Bằng không, kinh tế thế giới sẽ đi vào giai đoạn khủng hoảng mới.

Nhìn vào hai viễn cảnh đó, nếu dịch được kiểm soát tốt trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ càng có cơ sở có một năm phục hồi mạnh hơn, trong đó ngân hàng vốn đang được xem là một trong những lĩnh vực sáng giá sẽ có sự tăng trưởng tốt trong năm 2021, và ngược lại. "Song có một điểm tôi đặc biệt lo lắng đó là tình hình nợ xấu, trong trường hợp dịch khó lường, thật khó có thể đong đếm được tác động xấu tới ngành Ngân hàng sẽ như thế nào", ông Hiếu chia sẻ.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, Covid-19 đã khiến cho nợ xấu của ngành Ngân hàng tăng lên. Hệ quả này đến từ yếu tố khách quan, nhưng chuyên gia này cũng cho rằng không chỉ với năm nay, mà cả năm 2021 kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng sẽ phải thay đổi. Tới thời điểm này, mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay gần như là không thể. Ông Lực ước tính, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 sẽ khoảng 4,5%, con số này của năm 2021 có thể tăng lên 5-6%. Trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021.

Như đã nói ở trên, dịch bệnh nếu kiểm soát tốt sẽ giúp sự phục hồi của nền kinh tế nhanh chóng hơn, dần thoát khỏi vùng trũng, đây cũng là yếu tố quyết định không nhỏ tới "màu sắc" của bức tranh ngân hàng năm 2021, cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ nhiều cơ hội sáng giá hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2020 ngân hàng có điểm sáng là có thể giảm lãi suất, các nhà băng cũng có thanh khoản dồi dào, nhiều ngân hàng đã tăng được vốn nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, gia tăng sức chống chịu và ứng phó với rủi ro, thách thức, tạo sự bứt tốc cho năm tới.

Chuyển đổi số là chìa khoá

Chuyển đổi số quyết định sống còn của ngân hàng

Giới chuyên gia đều chung quan điểm, Covid-19 đã khiến tâm lý, hành vi tiêu dùng và đầu tư của khách hàng thay đổi, đòi hỏi các TCTD phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ… Theo đại diện MB, các ngân hàng sẽ phải quen với trạng thái "bình thường mới" khi đa số khách hàng không có nhu cầu và không muốn tới chi nhánh nữa, mạng lưới chi nhánh lớn chuyển từ lợi thế thành điểm yếu về chi phí. Chưa kể cạnh tranh không chỉ tới từ ngân hàng khác mà còn đến từ các tổ chức không phải ngân hàng, thậm chí là các đối tác trước đây của ngân hàng; năng lực và kiến trúc công nghệ của core banking theo truyền thống không còn phù hợp với môi trường cạnh mới…

Khảo sát cho thấy có tới 86% khách hàng hài lòng/rất hài lòng khi sử dụng các kênh kỹ thuật số. McKinsey tại thị trường Mỹ cũng chỉ ra có tới 75% khách hàng sẽ tiếp tục sử dụng các kênh số hậu Covid-19; còn ở Việt Nam theo Nielsen thì 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch. Cuộc khảo sát của Capgemini với 11.200 khách hàng tới từ 11 quốc gia về hành vi khách hàng sau dịch Covid-19 thì 57% khách hàng thích dùng internet banking hơn, 55% khách hàng thích dùng mobile banking, 21% khách hàng muốn tương tác với Chatbot và hỗ trợ tự động khi giao dịch với ngân hàng… Tất cả những con số trên nói lên rằng Covid-19 đã khiến mục tiêu số hoá của ngân hàng được tăng tốc rốt ráo hơn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

TS.Cấn Văn Lực chia sẻ, con người và công nghệ sẽ luôn là hai đột phá chiến lược trong sáng tạo và chuyển đổi số. Chính việc ngại rủi ro, thất bại, hợp tác kém hiệu quả và chậm đổi mới sẽ là rào cản cho phát triển ngân hàng trong bối cảnh tình hình mới. Theo TS.Lực, mô hình kinh doanh trên nền tảng số là tất yếu khi các nhà băng phải tự xây dựng (build), mua lại (buy) hoặc chia sẻ (share) đều là các giải pháp được ưa chuộng; kết hợp với kênh phân phối và sản phẩm phù hợp sẽ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Tổng hợp từ các BCTC các ngân hàng.

Nhận định của The Financial Brand cho thấy nếu xét chi phí cho 1 giao dịch theo kênh, với chi nhánh mất 4 USD, thì với số hoá sẽ giảm 96% so với chi nhánh, đồng nghĩa là có thể chấp nhận đầu tư ban đầu lớn, nhưng xét về lâu dài thì ứng dụng số sẽ giảm chi phí vận hành cho ngân hàng rất lớn. Ông Phùng Duy Khương - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân VPBank thông tin, nhờ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) của nhà băng này năm 2017 là 44,6% đến 9 tháng đầu năm 2020 chỉ còn 32,3%.

Hiện nay nhiều sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đã có sự chuyển đổi trên kênh số nhưng vẫn còn tập trung chủ yếu ở những ngân hàng lớn hoặc bậc trung. Vì thế thời gian tới, các ngân hàng có quy mô nhỏ cũng cần có những giải pháp, kế hoạch, chiến lược cụ thể để đầu tư nhiều hơn cho số hoá, bởi đây là yêu cầu không thể khác nếu không muốn "tự gạt mình ra khỏi cuộc chơi".