Ông Phan Dũng Khánh (MBKE): Chứng khoán hứa hẹn xán lạn, VN-Index có thể  đạt mức 1,300 | Vietstock

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Theo ông, sự kiện nào sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2021?

Ông Phan Dũng Khánh: Những sự kiện sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến thị tường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm tới là chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, những động thái tiếp theo của Fed, ECB BoJ hay PboC, diễn biến chiến tranh thương mại. Xuyên suốt năm 2021 sẽ là câu chuyện về ứng phó hậu dịch Covid-19, tốc độ hồi phục kinh tế thế giới và Việt Nam.

Về phía trong nước, nhà đầu tư cần quan tâm đến những chính sách mới hậu dịch. Bên cạnh đó là yếu tố dòng tiền trên các kênh đầu tư khác (như vàng, trái phiếu Chính phủ, tiền điện tử, bất động sản,…), việc ứng dụng các công nghệ 4.0 như Fintech, Blockchain, Defi, Storage,…

Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay ngày càng nhiều nên hỗ trợ thị trường nhiều hơn. Tuy vậy, nếu không duy trì được ích lợi khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quốc tế thì dài hạn sẽ tác động tiêu cực. Theo tôi, FTA chỉ là một phần trong bối cảnh nhà đầu tư bây giờ quan tâm đến Covid-19, vaccine, lãi suất, TTCK Mỹ, giá vàng và cả Bitcoin… như đã đề cập phía trên. Yếu tố quan trọng là sau hết các FTA và những thông tin trên thì kinh tế sẽ phục hồi ở mức độ nào, mạnh hay yếu từ đó TTCK mới bền vững hơn và ngược lại.

Tôi cho rằng, diễn biến của dịch bệnh sẽ giảm đi khi vaccine đã bắt đầu được đưa vào sử dụng mà vấn đề lớn là hậu dịch mới là điều nhà đầu tư quan tâm. Những nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch thê thảm trong năm 2020 như du lịch, khách sạn, vận tải, năng lượng, tiêu dùng, công nghệ… sẽ có triển vọng tốt hơn trong năm mới.

Liệu chứng khoán có tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn như những gì đã thể hiện trong năm 2020?

Ông Phan Dũng Khánh: Bất ngờ nhất trong năm 2020 là Covid-19 đã nhấn chìm TTCK trong quý 1, nhưng 3 quý cuối năm đã phục hồi mạnh mẽ. Nếu tính từ mức thấp nhất trong năm thì VN-Index đã tăng tới khoảng 70% (mức tốt hàng đầu lịch sử TTCK). Điều này đã làm bất ngờ nhiều người, càng về cuối năm mức tăng càng mạnh do nhiều nhà đầu tư sợ mất cơ hội nên tiền đổ vào càng nhiều hơn.

Như vậy, TTCK rõ ràng hứa hẹn một năm 2021 xán lạn với những gì đã thể hiện trong 2020. Tôi dự báo chỉ số VN-Index có thể chạm mức cao nhất 1,300 điểm trong năm 2021, đối với HNX-Index là 210 điểm. Thanh khoản thị trường sẽ tương đương năm 2020 nhưng dự báo giảm dần về cuối năm, do dòng tiền mang tính chiến lược hơn, tập trung đầu tư dài hạn hơn là ngắn hạn.

Khối ngoại sẽ tăng cường mua ròng trở lại với mức độ tăng dần hậu dịch; thay vì dàn trài, lực mua sẽ tập trung hơn vào những ngành nghề thích nghi tốt với những công ty ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Nhìn chung, sự hưng phấn có thể sẽ giảm bớt khi giá cổ phiếu ngày càng đạt các đỉnh cao mới trong bối cảnh kinh tế trên đà phục hồi nhưng không bằng một góc tốc độ tăng trưởng của TTCK. Đây là rủi ro lớn nhất và đó là mô hình chữ K (dù kinh tế ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 nhưng TTCK liên tục tăng tốc). Bên cạnh đó, dòng tiền đổ vào kinh tế thì ít nhưng thị trường tài chính thì nhiều, dẫn tới tình trạng kinh tế chưa phục hồi đầy đủ nhưng bong bóng tài sản đã đến bên cạnh.

Cá nhân tôi cho rằng để TTCK tiếp tục duy trì thì kinh tế cần tăng trưởng mạnh hơn nữa, ít nhất cũng ngang bằng thời điểm trước dịch và thị trường khi đó dù có điều chỉnh nhưng xu hướng sẽ ổn định và tích cực hơn. Ngược lại, tốc độ tăng khó mà duy trì khi giá ngày càng cao khi dòng tiền đầu cơ áp đảo đầu tư.

Bên cạnh cổ phiếu, ông đánh giá thế nào về cơ hội từ các sản phẩm khác trên thị trường như trái phiếu, chứng khoán phái sinh hay chứng quyền có đảm bảo?

Ông Phan Dũng Khánh: Dù thị trường có đi xuống vẫn có thể đầu tư kiếm lợi nhuận được như ở thị trường cơ sở (cổ phiếu) thì vẫn sẽ có những mã đi ngược thị trường chung. Hoặc trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ thuộc nhóm đầu tư an toàn; hay chứng khoán phái sinh có thể kinh doanh bất kỳ chiều nào của thị trường đều có thể sinh lợi nếu nắm bắt đúng xu hướng.

Tuy nhiên, nhóm này sẽ mạnh hơn nếu thị trường cơ sở yếu đi. Nói vậy không có nghĩa các sản phẩm kia không phát triển, mà tốc độ sẽ chậm hơn trong giai đoạn thị trường cơ sở xấu đi do bản chất của trái phiếu là đầu tư an toàn, nơi trú ẩn dòng tiền và chứng khoán phái sinh dùng để giảm thiểu rủi ro, phòng thủ danh mục đầu tư và thậm chí là đầu cơ ngược lại với cơ sở.

Ông đánh giá như thế nào về những quy định mới về nâng lô giao dịch sàn HOSE và thu thuế trên cổ tức, đây có phải là cản trở với kênh đầu tư chứng khoán?

Ông Phan Dũng Khánh: Theo tôi điều này hầu như không cản trở gì nhiều ít nhất là trong ngắn hạn. Bởi vì nhà đầu tư đang quá quan tâm lời/lỗ bao nhiêu chứ thuế cũng chỉ là một tỷ lệ quá nhỏ hay việc nâng lô cũng thế. Hầu như không một nhà đầu tư nào hỏi tôi về những vấn đề nói trên.

Thực sự điều nhà đầu tư đang quan tâm là mua con gì có lời tốt nhất để ăn Tết và năm 2021 nên bỏ tiền vào nhóm ngành, lĩnh vực nào. Những điều trên có chăng sẽ được quan tâm khi thị trường xấu đi và khi đó cũng có thể cần những “gói giải cứu chứng khoán” như hồi đầu 2020, lúc này có lẽ mới xuất hiện những đề xuất giảm bớt những vấn đề trên để chia sẻ với nhà đầu tư.

Xin cám ơn ông!