co-phieu-ngan-hang-7004-1622706935-460x0-1628156668.png

Đối với TTCK cũng tương tự như vậy, dòng bank luôn là những cổ phiếu mang tính đại diện cho thị trường, sự lên xuống của dòng này sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số Index cũng như tác động vào xu hướng của NĐT. Có vai trò rất quan trọng, nhưng việc định giá hay đo lường độ "đắt rẻ" của cổ phiếu ngân hàng lại khá phức tạp, không phải đơn thuần chỉ là P/E hay div/yield. Trong bài viết dưới đây, tôi xin được tóm lược những yếu tố (chỉ số) chính để NĐT xem xét khi quyết định "xuống tiền" đối với cổ phiếu ngân hàng.

1. ROE : đây là chỉ số rất quan trọng, thể hiện sự hiệu quả trên đồng vốn của ngân hàng. ROE sẽ được so sánh với các bank cùng khu vực. Hiện nay ROE trung bình ngành của VN khoảng 16%, trong khi đó chỉ số này của khu vực đang là 9-11%. Có những bank tốt trên thị trường đang có ROE cao hơn trung bình ngành.

2. NIM: là biên độ lãi ròng thể hiện rõ nét tính thu lợi trong chu kỳ. Nếu thu hút được tiền gửi với Ls thấp, cho vay ra Ls cao thì NIM sẽ rất tốt. Ngoài ra, nên chú ý chỉ số CASA (tiền gửi vãng lai, không kỳ hạn), chỉ số này càng cao càng tốt cho ngân hàng, đẩy NIM tăng cao. Hiện nay NIM trung bình của hệ thống bank VN khoảng 4.0%, cá biệt có những bank có NIM lên đến 6%.

3. CAR : tỷ lệ an toàn vốn. Đây là chỉ số đánh giá sự rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Hiện nay để đáp ứng các chuẩn Basel mới gồm Basel 2, Basel 3, nhiều ngân hàng phải tăng qui mô vốn lên bằng nhiều cách như trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành cho CĐHH.

4. CAGR: tỷ lệ tăng trưởng kép. Đây là chỉ số quan trọng thể hiện sự đi lên của ngân hàng. Nếu CAGR thu nhập lãi thuần đạt mức ổn định hàng năm, kéo dài trong chu kỳ 3-5 năm thì đó là một ngân hàng tốt. Hiện nay con số mơ ước đối với bank VN khoảng 18%.

5. NPL và LLR : đây là chỉ số thể hiện chất lượng tài sản của ngân hàng, là tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Nếu trước đây 5 năm, tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng của VN rất cao, có lúc lên đến trên 5%, thì hiện nay đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1.5% trung bình ngành. Có những bank có hệ thống quản trị tốt, đã đưa tỷ lệ này về mức dưới 0.5%. Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng tốt, có những bank cao trên 250%.

6. RI : thu nhập thặng dư. Đây là chỉ số phản ánh sự tiết giảm chi phí, rất quan trọng trong định giá cổ phiếu. Ngân hàng nào tiết giảm chi phí bằng công nghệ cao, sẽ có kết quả tốt.

7. P/B : thị giá trên Giá trị sổ sách. Đây là chỉ số thường hay dùng nhất để định giá xem ngân hàng đó đã đắt hay chưa. Hiện nay P/B trung bình của ngân hàng VN khoảng 2.2, nếu so sánh với khu vực có thể cũng không còn đủ rẻ, nhưng cũng không đắt.

8. P/E : EPS luôn là đại lượng rất quan trọng để định giá trong chứng khoán. Nếu P/E toàn TT hiện nay của Vn-index khoảng 16, thì của riêng ngành ngân hàng khoảng 20. Tiềm năng tăng trưởng LN của ngân hàng vẫn rất sáng sủa trong 2-3 năm tới, cho nên việc đưa P/E thấp hơn (nếu P không tăng) là điều dễ dàng.

Trên đây là 8 chỉ số cơ bản nhất để chúng ta xem xét về dòng ngân hàng. Rõ ràng khi có đến 35% số lượng mã ngân hàng trong rổ Vn30, thì việc giá cả sẽ tác động vào Index là đương nhiên. Nếu có lòng tin vào TTCK trong 6 tháng tới, hay dài hơn là 2 năm tới, thì việc nhiều cổ phiếu ngân hàng ở vùng giá hiện nay vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng. Hãy chú ý rằng mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng là Tín dụng (chiếm đến 75%-80% tổng doanh thu), thì dù việc giảm Lãi suất để hỗ trợ DN sau dịch (có khả năng làm NIM giảm 10%), nhưng sẽ được bù đắp bằng nới trần TRTD, tức là lấy số lượng bù lại. Ngoài ra, mảng bancassurance (phí bảo hiểm qua ngân hàng) là xu hướng nở rộ, cũng sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Theo lý thuyết "Cân bằng bất xứng" sẽ có những cổ phiếu cùng dòng chạy trước, nhưng sau khoảng thời gian nhất định, sự cân bằng sẽ trở lại. Tất nhiên, vẫn có sự khác biệt. Để có thể tối ưu hóa lợi nhuận, có thể chọn lựa theo từng chu kỳ nhất định của từng dòng. Tuy nhiên, khi xem xét nên dùng định lượng, tức tính toán chi tiết, cụ thể để biết các con số (8 chỉ số ma tôi đã trình bày ở trên). Từ đó để có sự khôn ngoan trong đầu tư. Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng một số mã ngân hàng đầu ngành, đang có giá dưới giá trị, sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)