1-8983-width698height391-1643383520.jpg

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao

Trong cuộc trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, thận trọng trước những rủi ro có thể phát sinh, trong năm 2021, Agribank đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140% để dự phòng cho năm 2022.

Tại VietinBank (mã CTG), ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức 171%, tăng mạnh so với con số 132% của cuối năm 2020.

“Trên cơ sở đánh giá hết sức thận trọng để đưa ra kịch bản an toàn cho năm 2022, chúng tôi đã tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Mặc dù so với một số ngân hàng thương mại khác, tỷ lệ này ở VietinBank chưa lớn, song đã tăng mạnh so với trước đây, thể hiện sự quyết tâm trong việc tiếp tục củng cố nền tảng”, ông Bình nói.

Tương tự, BIDV (mã BID) cũng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 235%, trong khi số liệu này tại thời điểm 30/9/2021 ở mức 140% và trước đó, vào cuối năm 2020 chỉ là gần 89%.

Đặc biệt, Vietcombank (mã VCB)gây chú ý khi công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục trong ngành ngân hàng, đạt 424% và lãnh đạo Vietcombank lý giải: “Mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng hơn 4 đồng dự phòng”.

Không chỉ các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Techcombank (mã TCB) tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184% như hiện nay, Mbbank (mã MBB) tăng từ 134% lên 233%, ACB (mã ACB) tăng từ 160% lên 198%…

Cũng trong diễn biến có liên quan, theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là một động thái nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường này của cơ quan quản lý. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự tại các ngân hàng sẽ được hé lộ.

Ngân hàng Nhà nước ước tính, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu được công bố, nợ xấu tồn đọng, nợ xấu đã bán cho VAMC, dư nợ tái cơ cấu) đạt khoảng 7,3% vào cuối năm 2021, mức này gần tương đương với năm 2017. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu với việc ban hành Thông tư 11/2021 về phân loại dư nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 23/2021 sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá các tổ chức tín dụng, đặc biệt thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng 8/năm 2022, trong khi công tác xử lý các ngân hàng “0 đồng” được đẩy mạnh hoàn thiện.

Các khoản lãi dự thu theo dõi ngoại bảng liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu có thể quay trở lại báo cáo lãi - lỗ (P&L). Theo các Thông tư 01, 03 và 14, lãi dự thu liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu được theo dõi ngoại bảng nếu không thực thu bằng tiền mặt. Do đó, trong trường hợp các khoản vay tái cơ cấu phục hồi sẽ tạo ra một nguồn thu nhập lãi bổ sung, vì lãi dự thu liên quan sẽ được hạch toán lại vào báo cáo lãi - lỗ.

“Dưới tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19 và 2 thời hạn quan trọng là cuối tháng 6/2022 với Thông tư 14/2021 và giữa tháng 8/2011 với Nghị định 42/20217, việc cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có ‘bộ đệm’ trích lập dự phòng mỏng là điều cần thiết. Đối với những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu như Vietcombank, VietinBank, ACB, MBBank, Techcombank…, rõ ràng triển vọng sẽ là khác biệt”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.

Ảnh hưởng kém tích cực sẽ không nhiều

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ở Việt Nam không có khái niệm xóa nợ cho người vay tiền ngân hàng, nên món nợ khách hàng không trả được thì để ở ngoại bảng và ngân hàng cứ đi đòi.

Phân tích cụ thể hơn, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các quốc gia trên thế giới sử dụng cơ chế phá sản cá nhân để xoá nợ, nhưng tại Việt Nam, Luật Phá sản không có cơ chế này. Nếu khách hàng chết hoặc doanh nghiệp phá sản thì nghĩa vụ trả nợ chấm dứt theo Bộ luật Dân sự và Luật Phá sản.

Đối với câu chuyện trích lập dự phòng rủi ro, vị lãnh đạo này cho biết, có 2 loại gồm dự phòng rủi ro chung (trích lập trên tổng dư nợ - tức là gồm cả nợ tốt và xấu) và dự phòng rủi ro cụ thể trích theo từng khoản nợ, theo kết quả phân loại nợ của từng khoản nợ cụ thể (từ nhóm 2 đến nhóm 5) và giá trị tài sản bảo đảm được khấu trừ mức trích dự phòng rủi ro cụ thể.

Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu là tỷ lệ tính tổng dự phòng rủi ro (dự phòng rủi ro chung và dự phòng rủi ro cụ thể) đã trích/nợ xấu. Với tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu thấp thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (vì phần dự phòng rủi ro chung) có thể lên tới 400%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao chứng minh chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng tốt và ngược lại.

Cũng theo vị này, bản chất lợi nhuận đến từ thu nhập trừ đi chi phí (chi phí bao gồm cả chi phí dự phòng rủi ro) và trên thực tế, ảnh hưởng của dự phòng rủi ro đối với lợi nhuận khá phức tạp. Cụ thể, nếu chất lượng tín dụng tốt (không phải trích thêm dự phòng rủi ro) thì chi phí dự phòng rủi ro không tăng, lợi nhuận có thể cao; trường hợp chất lượng tín dụng quá tốt, có thể được hoàn nhập dự phòng, thì lợi nhuận sẽ tăng tương ứng với phần dự phòng được hoàn nhập và ngược lại.

“Theo công thức trên thì các thay đổi của 2 cấu phần thu nhập và chi phí sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trao đổi với phóng viên, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao chứng tỏ ngân hàng đang trích dự phòng nhiều hơn so với nợ xấu hiện hữu và đây là điều rất tốt.

Liên quan đến việc tỷ lệ bao phủ nợ xấu tác động như thế nào đến lợi nhuận, vị giám đốc nguồn vốn cho rằng, ảnh hưởng theo hướng không tích cực sẽ không nhiều vì khi cho vay, ngân hàng đã tính cả phần dự phòng chung.

“Hơn nữa, số liệu rất có thể đang được chia trên nợ xấu danh nghĩa, chưa bao gồm nợ cơ cấu do Covid-19, trong khi dự phòng có thể bao gồm dự phòng nợ cơ cấu bởi dịch bệnh. Nhiều ngân hàng đã trích đủ dự phòng nợ cơ cấu do dịch nên tỷ lệ này sẽ cao và năm sau, khi nợ cơ cấu bởi dịch giảm, thì sẽ được hoàn nhập dự phòng, từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận”, vị giám đốc nguồn vốn phân tích.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố cho biết, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 trung bình của các ngân hàng đạt 21% so với năm 2021. Đáng chú ý, ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance và/hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, VPBank, MBBank và Sacombank. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước tính của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 22%, cao hơn so với khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là 19% do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.