Dòng tiền “nhà đầu tư F0” ồ ạt đổ vào thị trường, thanh khoản HoSE lập kỷ  lục gần 500 triệu cổ phiếu trong phiên 8/6

Nhà đầu tư theo dõi thông tin tại một sàn chứng khoán

Các chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán tháng cuối năm vẫn có nhiều yếu tố lạc quan. Nguyên nhân là do thông tin vaccine Covid-19 thử nghiệm thành công đã giúp thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại được động lực tăng điểm.

VN-Index liên tục chinh phục mốc mới

Kết thúc phiên sáng 10/12, dù áp lực bán bất ngờ dâng cao đẩy cổ phiếu trụ cột giảm sâu nhưng VN-Index vẫn giữ vững đà tăng lên 1.039,25 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 257 mã giảm và 85 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,38 điểm (0,87%) lên 160,12 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 78 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,68%) xuống 68,79 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 385 triệu cổ phiếu, trị giá 7.610 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.392 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 27 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Từ đầu tháng 12 đến nay, VN-Index liên tục ghi nhận các diễn biến tích cực khi chỉ số này lần lượt vượt các mốc kháng cự 1.000 điểm đến 1.030 điểm và đang ngấp nghé ở 1.040 điểm.

Tiền tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán

Tiền tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán

Báo cáo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhận định, thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn tăng dài nhất trong lịch sử, kể từ khi xác lập đáy trong tháng 3/2020, với mức tăng trên 50%. Sự bùng nổ thanh khoản diễn ra với giá trị giao dịch liên tục xác lập các mốc cao kỷ lục, đang phản ánh tâm lý hưng phấn không ngừng gia tăng của nhà đầu tư trong nước. VN-Index tăng 8,39% còn HNX-Index tăng 9,13% trong tháng 11/2020.

Nguyên nhân của những diễn biến tích cực này theo các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán SSI, thông tin các hãng dược trên thế giới lần lượt công bố kết quả thử nghiệm thành công vaccine Covid-19 đã giúp thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại được động lực tăng điểm trong tháng 11/2020. Chỉ số VN-Index vượt ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.000 điểm vào phiên ngày 26/11, sau đó liên tục chinh phục mốc 1.030 điểm.

Động lực cho tăng trưởng của VN-Index đang đến từ nhóm cổ phiếu tài chính (+12,6%), trong đó nhờ đóng góp lớn của nhiều cổ phiếu ngân hàng như: VCB, CTG, BID, TCB, VPB. Thông tin khả quan về vaccine cũng giúp tất cả các nhóm ngành tăng trưởng dương, nhiều nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng 2 con số như: Tiện ích (+12,7%), vật liệu (+15,5%), công nghiệp (+14%), hàng tiêu dùng không thiết yếu (+11,1%). Ngoài cổ phiếu ngân hàng, thì GAS, VHM, GVR, HPG, VJC là những cổ phiếu diễn biến tích cực, thúc đẩy tăng trưởng cho các nhóm ngành và thị trường.

Đáng chú ý, nhiều quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam tiếp tục rút ròng 7,7 triệu USD trong tháng 11/2020. Tuy nhiên, điểm tích cực là con số rút ròng của các quỹ chủ động tập trung vào tuần đầu tháng, sau đó giảm dần và chuyển sang tiền vào trong nửa cuối tháng 11/2020. Theo các chuyên gia, có thể các thông tin tích cực về vaccine và việc ký kết RCEP vào giữa tháng đã hỗ trợ dòng tiền vào cổ phiếu Việt Nam. Nhìn lại kể từ tháng 3 đến nay, đây là lần đầu tiên dòng tiền quỹ chủ động vào Việt Nam dương 2 tuần liên tiếp.

“Sự đảo chiều của dòng vốn ở thị trường Việt Nam trong nửa cuối tháng 11/2020 không xuất hiện ở các thị trường ASEAN khác, cho thấy thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn hơn nhờ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và tăng trưởng kinh tế khả quan” - báo cáo của SSI nhận định.

Ba kỳ vọng giúp thị trường đứng vững

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng nhận định bên lề Hội nghị Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 33: Thị trường chứng khoán đang phát triển tốt về thanh khoản và chỉ số. Việt Nam là quốc gia may mắn dù dịch có diễn biến phức tạp nhưng mức độ ảnh hưởng trực tiếp là không đáng kể. Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi chuỗi cung ứng, khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và một số ngành nghề, nhưng ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 là không nhiều.

"Thị trường vững được là nhờ kỳ vọng chính sách của Chính phủ, kỳ vọng về tiềm năng phát triển của kinh tế và kỳ vọng về sự chống chịu của các doanh nghiệp" - người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Chính phủ Việt Nam và các nước tung ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để chống chịu với đại dịch. Khi khó khăn, tiền gửi tiết kiệm hoặc đầu tư sẽ tăng lên. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn tăng trưởng tiền gửi ở dân cư, nhà đầu tư cũng tranh thủ đầu tư ở thị trường chứng khoán giúp dòng tiền mới tăng lên mạnh. "Điều này phù hợp với quy luật" - ông Trần Văn Dũng đánh giá.

Đồng tình với nhận định trên, Công ty Chứng khoán MASVN lưu ý, chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ tăng cường trong thời gian tới. Điều này không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho sự gia tăng giá trị của tài sản rủi ro trong bối cảnh các kênh tài sản khác như vàng, USD, tiền gửi… tiếp tục kém hấp dẫn, mà còn hỗ trợ cho bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp nói chung trong các quý tiếp theo.

Nỗi lo sợ về đại dịch đã giảm đi đáng kể sau những tín hiệu lạc quan về vaccine cho Covid-19. Các đợt tiêm vaccine đang được tiến hành ngay trong tháng 12 tại các nước. Đây sẽ là cú hích đưa kinh tế toàn cầu sớm trở lại bình thường mới.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SSI Nguyễn Hồng Nam kỳ vọng, 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo (2021 - 2025), đây sẽ là một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nữa của Việt Nam.

Năm 2021, thị trường chào đón 3 bộ luật mới có hiệu lực, bao gồm: Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư, tạo khuôn khổ pháp lý cho chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, và cả hệ thống thanh toán bù trừ đối tác trung tâm.

Quá trình cổ phần hóa cũng có thể tăng tốc bắt đầu từ năm tới. Ðiều này có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ trở nên lớn hơn cả về chất và lượng. Đây có thể là cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán.

"Với sự hỗ trợ từ Chính phủ cho nền kinh tế, chúng tôi tin rằng, thị trường chứng khoán hưởng lợi và phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới, chứng kiến dòng vốn tiếp tục chảy vào thị trường." - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SSI Nguyễn Hồng Nam

"Các DN sẽ bắt đầu công bố kết quả lợi nhuận ước tính quý IV và cả năm 2020, cũng như kế hoạch kinh doanh 2021 và mức chia cổ tức dự kiến. Những thông tin này luôn là chất xúc tác cho thị trường vào cuối năm. Do vậy kết quả công bố sẽ khiến thị trường có sự phân hóa rõ ràng hơn." - Báo cáo phân tích của MASVN