Khủng hoảng

Theo VCSC, sau khi công bố giá trị hợp đồng ký mới đạt 5.000 tỷ đồng đầu năm, Coteccons không công bố con số này trong quý II và quý III. VCSC cho rằng Covid-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020. Theo VCSC rất có thể một phần do Covid 19 những hợp đồng đang đàm phán đã được hủy hoặc dừng lại.

“Chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng giá trị hợp đồng kỳ mới 2020 còn 10.000 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 22% so với năm ngoài", báo cáo VCSC cho hay. Điều này có nghĩa là, doanh thu của năm 2020 chỉ còn 15.200 tỷ đồng, tương ứng giảm 36% cùng kỳ.

Bolat Duisenov, tân Chủ tịch Coteccons đang cố gắng chèo lái đưa Coteccons trở lại vị trí số 1.

Báo cáo của VCSC cũng chỉ ra một thông số khá bất hợp lý: tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu vẫn tăng 3,7% trong ba tháng gần nhất, so với 2,4% trong nửa đầu năm. Mức tăng này chủ yếu đến từ mức tăng 11% trong chi phí nhân công.

Cuộc khủng hoảng của Coteccons còn xảy từ nhân sự cấp cao khi thành viên cuối cùng thời ông Nguyễn Bá Dương đã rời khỏi HĐQT cách đây 2 tuần. Theo đó, ông Từ Đại Phúc, Phó tổng giám đốc, người về Coteccons cách đây 18 năm đã ra đi.

HĐQT của Coteccons hiện tại hoàn toàn là bộ máy được Kusto xây dựng và toàn là các nhân sự có quốc tịch nước ngoài. Một điểm đáng chú ý trong ban điều hành có sự xuất hiện của ông Lý Xuân Hải, cựu CEO của ACB. Ngoài chức vụ cố vấn ban điều hành ông Hải còn là người đại diện ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, thành viên HĐQT.

Như vậy có thể thấy ông Hải vừa là người có tiếng nói trong ban điều hành và cũng có chân trong HĐQT của Coteccons.

Tân chủ tịch trấn an nhân viên bằng tâm thư

Trong bức thư được gửi đi vào ngày 1 tháng 12 năm 2020, Bolat Duisenov, tân Chủ tịch Coteccons cho hay: Tiểu ban chiến lược và Ban điều hành đang xây dựng kế hoạch hành động trong ngắn, trung và dài hạn. Con đường sắp tới của Coteccons sẽ không chỉ làm các dự án thầu xây dựng đơn thuần mà mở rộng sang hợp tác toàn diện, đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng.

Lần thứ hai, Bolat Duisenov, tân Chủ tịch Coteccons gửi tâm thư cho CBNV sau khi nhậm chức.

“Tôi đi thăm và gặp gỡ trực tiếp gần 2.000 CBVN của Coteccons và Unicons, tôi hoàn toàn tin về năng lực và phẩm chất của con người Coteccons, tôi nhìn thấy ở các bạn hình ảnh của những người lãnh đạo tương lai”, Bolat Duisenov trải lòng với CBNV.

Cũng theo Bolat Duisenov, Coteccons các hợp đồng mới sẽ tiếp tục được ký bởi vì: “Khách hàng coi Coteccons là lựa chọn hàng đầu chừng nào chúng ta còn khẳng định những cam kết với khách hàng về chất lượng, tiến độ, an toàn”.

Đây được xem là động thái trấn an kịp thời và cần thiết trong giai đoạn hậu khủng hoảng có tên “Nguyễn Bá Dương”.

Một điểm được dư luận quan tâm chính là hiện tại trong ban điều hành của Coteccons không có nhân sự nào có chuyên môn sâu, uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.

Người giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc hiện tại là ông Võ Thanh Liêm, một người cũng được ông Nguyễn Bá Dương đào tạo. Theo phân tích của chúng tôi, ông Liêm cũng chỉ là phương án tạm thời trong giai đoạn chuyển giao.

Để bổ sung cho điểm yếu cốt lõi này, Coteccons đã bổ nhiệm ông Trần Trí Gia Nguyễn và ông Phạm Quân Lực làm phó tổng giám đốc phụ trách mảng xây dựng.

Ông Trần Trí Gia Nguyễn là Việt kiều Úc, tên thường gọi là Michael Trần, đã làm việc nhiều năm cho Hoà Bình, trong đó có 3 năm gần đây làm Phó tổng giám đốc phụ trách các dự án của chủ đầu tư nước ngoài.

Cuối tháng 5/2020, ông Michael Trần chính thức từ nhiệm ở Hoà Bình, một tháng trước khi diễn ra ĐHCĐ thường niên của Coteccons.

Trong khi đó ông Lực là nhân sự nội bộ của Coteccons. Ông Lực, hiện đang là Giám đốc khối Kỹ thuật, tham gia Coteccons từ những ngày đầu tiên và đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo với hơn 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.

Để thể hiện cho tham vọng chinh phục thị trường quốc tế, Công ty cũng đã bổ nhiệm ông David Evans, quốc tịch Anh, thành viên Tiểu ban Chiến lược, làm Cố vấn Ban điều hành. Ông David đã có gần 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và gần đây nhất đã từng đảm nhiệm chức vụ CEO của Tập đoàn Xây dựng Al Naboodah, một trong các tập đoàn xây dựng hàng đầu tại Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.

Như vậy, trong giai đoạn hậu khủng hoảng Coteccons cũng đã có những quyết sách nhanh chóng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, để trở lại vị trí số 1 Coteccons cần nhiều thời gian và nỗ lực lớn.

Theo thông tin chúng tôi có được, Quý III, công ty này ghi nhận doanh thu giảm 55%, đạt 2.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này cũng chỉ đạt 88 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ quý I/2015. Luỹ kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế chín tháng lần lượt đạt 10.300 tỷ đồng và 370 tỷ đồng, giảm gần 37% và 23% so với cùng kỳ.