ACB và bài toán tăng trưởng lợi nhuận năm 2020

Theo công bố sơ bộ của ACB, ngân hàng đạt 3,82 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng năm 2020, tăng 5,47% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong quý 2, lợi nhuận trước thuế đã giảm -1,1% so với cùng kỳ xuống còn 1.895 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 303%.

Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 0,68% từ mức 0,65% tahi thời điểm cuối quý 1 và 0,54% vào cuối năm 2019; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đã giảm về mức 138%, nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống, tạo ra bộ đệm tốt để ngăn ngừa rủi ro tín dụng liên quan đến Covid-19.

Về cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng đang chờ phê duyệt từ NHNN và dự kiến ngày đăng ký cuối cùng là vào giữa tháng 8. Theo quan điểm của bà Nguyễn Thu Hà - chuyên gia phân tích chứng khoán của CTCK SSI, điều này có thể tác động nhẹ đến việc đẩy nhanh tiến độ chuyển niêm yết sang sàn HSX.

Cập nhật thêm thông tin về ACB, phía SSI cũng cho biết, ACB vẫn còn khả năng tối ưu hóa NIM bằng cách tăng tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động (LDR). Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng cải thiện từ 16,5% trong quý 1 lên 18,8% trong quý 2 nhờ các gói dịch vụ tài chính dành cho nguồn nhân lực Việt (employee banking).

Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, mặc dù chất lượng tài sản có dấu hiệu suy giảm, nhưng ACB vẫn duy trì vì trí thứ 2 về chất lượng tài sản trong ngành. Thứ nhất, theo ban lãnh đạo ACB, tỷ lệ nợ xấu tăng lên là do ngân đã chủ động phân loại lại các khoản cho vay sớm hơn và nghiêm ngặt hơn so với quy định (Thông tư 02/2013/TT-NHNN). Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giảm xuống, nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong ngành (sau Vietcombank).

Thứ hai, nợ vay tái cơ cấu đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng (3% tổng dư nợ cho vay) và kỳ hạn tái cơ cấu là khoảng 3-6 tháng, trong đó 3,3 nghìn tỷ đồng thuộc khách hàng cá nhân, còn lại thuộc khách hàng DNNVV. Song con số này vẫn thấp hơn ước tính của ACB trước đây là 15 nghìn tỷ đồng. Sau khi giai đoạn tái cấu trúc kết thúc (từ tháng 9 đến tháng 12/2020), ACB kỳ vọng có thể thu hồi hết các khoản nợ vay này và ghi nhận thu nhập lãi đã mất. ACB ước tính sẽ không tái cấu trúc thêm trong nửa cuối năm 2020.

Thứ ba, về tăng trưởng thu nhập lãi ròng (NII) khiêm tốn (tăng 3,4% trong quý 2 và 11,5% trong 6 tháng đầu năm) chủ yếu do các gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19. Theo đó, ACB áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng DNNVV ở mức tối thiểu là 6,5%/năm và khách hàng cá nhân là 7%/năm trên tổng số 35 nghìn tỷ đồng nợ vay (chiếm 12% tổng dư nợ cho vay vào cuối quý 2). Lãi suất cho vay ưu đãi khiến NIM giảm 10 điểm cơ bản trong 6 tháng và có khả năng giảm thêm 10-15 điểm trong nửa cuối năm 2020 về mức 3%-3,2%.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thu nhập phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sẽ là động lực đáng kể cho năm 2020. Mặc dù thu nhập từ phí trong quý 2 đã giảm -28% xuống còn 366 nghìn tỷ đồng; tuy nhiên hoạt động bancassurance đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6, với 100 tỷ đồng thu nhập so với tổng số 214 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Ban lãnh đạo ACB tin rằng trong nửa cuối năm 2020, hoạt động bán bảo hiểm có thể duy trì tốc độ như trong tháng 6 do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã cải thiện. Do đó, thu nhập bancassurance ước tính đạt 900 tỷ đồng cho cả năm, tăng hơn 60% so với năm trước.

3

Ông Từ Tiến Phát - Phó Tổng giám đốc ACB (trái) và ông Huỳnh Hữu Khang - Tổng Giám đốc FWD Việt Nam cùng đánh dấu sự hợp tác mang tính tiên phong trong thị trường bảo hiểm - ngân hàng.

Cùng với đó, chi phí hoạt động đã giảm 13% so với cùng kỳ còn 1,7 nghìn tỷ đồng, trong khi các chi phí liên quan đến dự phòng tăng 303% lên 448 nghìn tỷ đồng trong quý 2. Các chuyên gia cho biết, không nhận thấy việc cắt giảm về số lượng nhân viên của ACB trong giai đoạn này, do đó việc tiết giảm chi phí hoạt động có thể liên quan đến các chi phí quản lý khác.

Trên sàn chứng khoán dù chỉ số chính trên thị trường lên xuống khá mạnh nhưng phiên gần đây cổ phiếu ACB vẫn luôn giữ được sự ổn định: đi ngang trong biên độ hẹp, với thị giá từ đầu tháng 7 đến nay ở mức 22.200 đến 24.000 đồng/CP. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/7, thị giá ACB ở mức 22.600 đồng/CP với khoảng 2 triệu đơn vị được khớp lệnh…

Theo các chuyên gia, việc niêm yết trên sàn HoSE có thể sẽ là yếu tố thay đổi cục diện đối với ACB, hỗ trợ tâm lý tích cực cho cổ phiếu trong năm nay. ACB có khả năng được thêm vào các chỉ số ETF sau 6 tháng giao dịch trên sàn HoSE. Hơn nữa, thương vụ hợp tác bancassurance độc quyền dự kiến diễn ra trong năm nay sẽ tạo ra một khoản thu nhập bất thường và dòng thu nhập định kỳ ổn định trong tương lai. Đồng thời, việc thoái vốn khỏi ACB sẽ là nhân tố hỗ khác trợ giá cổ phiếu ACB.