Theo đó, 400 cửa hàng Pharmacity hiện có mặt tại 11 tỉnh thành trong mục tiêu đạt đến 600 cửa hàng trong năm nay và đạt 1.000 cửa hàng vào cuối 2021.

Hồi tháng 02 năm 2020, Pharmacity thông báo đã hoàn tất gọi vốn với 735 tỉ đồng (khoảng 31,8 triệu USD) cho lần gọi vốn đầu tiên của vòng series C. Trước đó hồi tháng 5 năm 2019, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thuộc Mekong Capital cũng công bố việc rót vốn vào Pharmacity với giá trị không tiết lộ. Tuy nhiên, theo quan sát của giới đầu tư giá trị rót vốn cho mỗi khoản đầu tư của quỹ này thường dao động trong khoảng 8-15 triệu USD.

“Việc mở rộng mạng lưới cũng như mảng kinh doanh dự kiến giúp đưa doanh thu của Pharmacity trong năm nay lên mức hơn 3.000 tỉ đồng, theo kế hoạch được công ty đề ra tương đương mức tăng dự kiến 230% so với năm 2019”, Chris Blank, CEO Pharmacity cho biết.

Ông Chris Blank, CEO Pharmacity, đặt mục tiêu IPO hệ thống Pharmacity vào năm 2023 sau khi cán mốc 1000 cửa hàng trên toàn quốc

Hồi tháng 3 năm 2020, Pharmacity đã hợp tác với đối tác mở trung tâm phân phối tại Đồng Nai. Chia sẻ với truyền thông, ông Chris Blank, sáng lập kiêm CEO chuỗi bán lẻ thuốc này cho biết trung tâm phân phối sẽ phục vụ cho kế hoạch mở rộng hệ thống tại miền Nam, với khoảng 600-700 cửa hàng trong mục tiêu 1.000 cửa hàng.

Với số lượng cửa hàng hiện tại, Pharmacity đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm có quy mô lớn nhất, gấp khoảng 4 lần quy mô chuỗi lớn thứ hai.

Trước đó giữa tháng 5, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã cán mốc 100 cửa hàng sau 5 năm có mặt trên thị trường và đã có mặt trên 30 tỉnh thành. FRT công bố mục tiêu cán mốc 200 cửa hàng vào cuối năm nay.

Theo một khảo sát của Q&ME công bố gần đây, tính đến tháng 3.2020, quy mô chuỗi bán lẻ dược phẩm (bao gồm sản phẩm chăm sóc sức khỏe) cả nước đạt 679 cửa hàng, tăng 38% so với năm 2019 chủ yếu nhờ vào Pharmacity và Long Châu. Các chuỗi hoạt động tương tự còn có Pharno Pharmacy (89 cửa hàng), An Khang (20 cửa hàng), SK Pharmacy (12 cửa hàng), Eco Pharma (10 cửa hàng)…

Mặc dù mở rộng hệ thống rất nhanh và đạt doanh thu lớn nhưng hệ thống Pharmacity vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tính đến 2017, công ty ghi nhận khoản lỗ lên đến 66 tỷ đồng

Với quy mô 6,5 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng kép lên đến 11%, theo hãng nghiên cứu BMI, thị trường dược phẩm dự báo sẽ đạt quy mô 7,7 tỉ USD năm 2021 và tăng lên 16,1 tỉ USD năm 2026.

Trong đó thị trường bán lẻ dược phẩm qua kênh nhà thuốc dự báo quy mô xấp xỉ 2 tỉ USD nhưng được nhìn nhận khá phân mảnh khi có 57.000 nhà thuốc nhỏ lẻ đang hoạt động.

Chuỗi Pharmacity được thành lập năm 2011, đến cuối năm 2019 Pharmacity đã mở chuỗi lên 252 cửa hàng, dẫn đầu về số lượng cửa hàng trong các chuỗi nhà thuốc hiện có. Trong năm 2020, Pharmacity đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng dự kiến lên 700.

Dự kiến năm 2023 Pharmacity sẽ IPO sau khi cán mốc mở rộng 1000 cửa hàng trên toàn quốc.