Nỗi lo những khu nhà cao cấp bỏ hoang - CafeLand.Vn

Một loạt các chính sách điều chỉnh vĩ mô của chính phủ như quy định hạn mức dòng tiền đầu tư bất động sản; Luật đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn đầu tư cũng quy định thắt chặt quy trình đầu thấu, đấu giá, lựa chọn nhà dầu tư; Dự thảo luật đất đai cũng có nhiều quy định chặt chẽ hơn về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung gia đất và tiếp tục hoàn thiện các thiếu sót về quy trình, thủ tục thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng;

Đặc biệt trên tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/06/2022 hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã đề cập và phân tích rất rõ ràng về thực trạng, bối cảnh, sự khó khăn, phức tạp và rất nhiều vấn đề xã hội về lĩnh vực đất đai rất cần được quan tâm. Xác định đất đai là nguồn lực cần được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Chúng ta đều biết đất đai là nguồn lực có hạn, không thể tăng thêm diện tích, nhưng lại là nguồn lực hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh. Vấn đề quy hoạch đất có rất nhiều chiến lược quốc gia, có tính vĩ mô, dài hạn quy hoạch rất cụ thể kế hoạch sử dụng đất trên cả nước, từng địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sử dụng đất không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên đất. Yêu cầu tất yếu trong giai đoạn tới sẽ siết chặt và sử dụng nguồn lực đất để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội. Đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tình trạng đất dự án, đất ở bị bỏ hoang còn nhiều ở các dự án bất động sản, chưa đưa vào sử dụng trên thực tế.

Trên cơ sở đánh giá từ vấn đề lý luận, thực tiễn cho thấy rằng để đảm bảo vấn đề sử dụng đất hiệu quả thì một trong những giải pháp mà Luật sư thấy cần thiết phải quy định đó là việc thu thuế tài sản là bất động sản thứ 2 trở lên, bất động sản bỏ hoang. Bởi những lý do như sau:

1/ Nếu quy định được như thế này, có lẽ rằng với người dân coi bất động sản là phương tiện sản xuất, chỗ ở, sinh hoạt phù hợp hơn với suy nghĩ của đa số người dân coi bất động sản, nhà ở là tài sản để kinh doanh sinh lời. Đất đai, bất động sản là phục vụ nhu cầu của từng hộ gia đình, nhu cầu mỗi người dân/hộ gia đình về chỗ ở chỉ cần ở mức có 01 căn nhà đã đảm bảo. Vì thế, đối với những người đầu cơ, gom đất, nhà quá nhiều cũng hạn chế cơ hội tiếp cận có chỗ ở của người khác, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

2/ Tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất lên quá cao hay nói cách khách tình trạng bong bóng bất động sản quá nóng. Việc tăng giảm của bất động sản cũng chưa chắc làm gia tăng giá trị kinh tế của xã hội mà chỉ làm giàu cho một số cá nhân nhờ yếu tố biến động giá bất động sản. Nếu không kiểm soát tình trạng này sẽ khiến cho cơn sốt, bong bóng bất động sản vỡ bất kì lúc nào, hệ lụy cho xã hội là rất lớn. Hạn chế được tình trạng này, cũng là giải pháp điều chỉnh nguồn vốn, dòng tiền vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch để gia tăng giá trị kinh tế của xã hội.

3/ Đối với các tài sản bất động sản bỏ hoang có thể thấy rất rõ ràng sự lãng phí, sự dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Chúng ta thấy rất nhiều khu đô thị, khu đất có chủ nhưng bỏ hoang, để lãng phí, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nên cần quy định thu thuế tài sản bỏ hoang để khuyến khích, bắt buộc người dân, chủ sở hữu đưa tài sản vào sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả nếu không họ sẽ phải đóng thuế tài sản. Tuy nhiên, cần có định nghĩa rõ ràng thế nào là tài sản bỏ hoang, luật hóa quy định này và có biện pháp kiểm tra, lập danh sách tài sản bỏ hoang để có cơ sở thu thuế.

Đây chính là những biện pháp hữu hiệu của cơ quan nhà nước liên quan đến việc quản lý đất đai tiết kiệm, hiệu quả và là nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, đảm bảo sự công bằng, bình đằng về nhà ở cho người dân có nhu cầu.