Chờ đợi tái cơ cấu danh mục cổ phiếu

Mấy hôm nay tôi bận xem bóng đá buổi đêm, thức dậy khá muộn, cũng không có rảnh để xem bảng điện nhiều như trước. Tôi hàng ngày nhận được nhiều tin nhắn hỏi mã này, mã kia, nên mua con lọ con chai hay không. Thực ra tôi rất ít khi trả lời những câu hỏi mang tính tư vấn trực diện như thế.

Đơn giản là như vậy không công bằng với tôi. Các bạn "ăn lồi mồm toác mỏ" thì các bạn nghĩ mình giỏi, còn nếu chẳng may thua thì trong lòng lại nghĩ "Chả hiểu sao lại đi nghe ông ấy múc con dở hơi thế không biết". Cho nên nếu tôi không có lợi ích bản thân gì, chắc chắn tôi sẽ không tư vấn chi tiết. Tuy nhiên, tôi luôn muốn chia sẻ những góc nhìn, nguyên tắc về CK để nhằm giúp các NĐT có sự nhận biết đúng đắn và phương pháp đầu tư chuẩn mực, hướng đến dài hạn.

Danh mục chứng khoán của bạn là thứ biến động không ngừng. Có những ngày khi tôi kiểm tra NAV mất đi 800 triệu mà lòng thấy buồn man mác, nhưng cũng có ngày NAV lại tăng hơn 1 tỷ, khi đó có cảm giác vui vẻ, đánh cờ hay chơi Poker onl. đều có cảm giác thăng hoa.

Nhưng sau nghĩ lại, tất cả những thứ đó nếu chưa bán, chỉ là con số vô nghĩa. Cho nên, chỉ khi nào chốt, cầm tiền trong tay mới là thực, mới biết được mình lời hay lỗ bao nhiêu. Tôi đã nhiều lần khuyến nghị NĐT hãy chốt một phần, rút lãi (hay vốn) ra để tránh tình trạng "lời ảo lỗ thật".

Đầu tư là một quá trình trong một khoảng thời gian (chu kỳ) đủ dài. Rất nhiều người đã nhận ra được sóng Thập kỷ, đã xuống tiền mạnh mẽ từ giữa năm 2020. Họ đã gặt hái được những thành quả nhất định, và tiếp tục có niềm tin vào sự tăng trưởng bền vững của TTCK Việt nam. Rõ ràng, việc Vn-index có thể đi lên tiếp vùng 1400-1500 có xác suất cao. Câu chuyện sau đó được tiếp diễn với nhiều kịch bản khác nhau. Kể cả sau này khi Vn-index vượt 2000 điểm thì cơn sóng 2020-2022 này vẫn có thể là lịch sử, rất khó lặp lại.

Một trong những điểm mấu chốt của đầu tư là tính cân bằng danh mục. Có 5 nguyên tắc để có thể áp dụng như sau:

1. Danh mục lõi: đây là danh mục đầu tư dài hạn. Tuyệt đối không dùng tiền vay. Mục tiêu của danh mục này chính là TÍCH SẢN. Danh sách đầu tư cũng phải phân chia tỷ trọng theo sector, theo mã. Đối với NĐT cá nhân dù NAV khá nhỏ, nhưng cũng không nên quá 30% / mã. Việc review danh mục lõi nên làm định kỳ (tùy theo từng người, có thể hàng tháng) hoặc khi có yếu tố bất thường.

2. Danh mục trading: đây là danh mục có thể dùng tiền vay, lấy sức mua từ danh mục lõi. Danh mục này phải linh hoạt, chủ yếu theo yếu tố thị trường như dòng tiền, thông tin hay các tín hiệu TA. Đây là danh mục phải đặt mục tiêu "lãi vô hạn, lỗ nhỏ giọt". Chấp nhận cắt lỗ khi sai điểm mua, sẵn sàng gồng lãi dù đã ăn 100%.

3. Cân bằng NAV: nếu ban đầu bạn định dành tổng đầu tư 1 tỷ cho CK, hãy luôn giữ NAV ở mức không vượt quá 2 lần con số đó. Nếu thành quả vượt trội hãy rút bớt ra. Bất kể cơn sóng nào rồi cũng sẽ có điểm kết thúc. Cho nên việc giữ NAV, bản chất là tài sản dài hạn ở một mảng đầu tư như CK, cũng phải kiềm chế ở mức cân bằng.

4. Cân bằng tỷ trọng: do giá cổ phiếu lên không đều nhau, có con sẽ lời khủng, nhưng có con sẽ như rùa bò. Vì thế tỷ lệ sẽ ngày càng lệch so với lúc ban đầu. Rồi cả vấn đề trả cổ tức, chia thưởng cũng sẽ làm lệch. Vì vậy, hãy bán ra những cổ phiếu có độ lệch quá cao, mua vào thêm những cổ phiếu (tốt) khi giảm sâu vô lý. Cố gắng giữ cân bằng ngành, cân bằng mã theo nguyên tắc đã xây dựng ban đầu.

5. Cân bằng nợ: bản thân việc dùng đòn bẩy, nợ Margin là tốt. Nếu đủ kinh nghiệm, biết dùng hợp lý thì đây là công cụ tuyệt vời để gia tăng NAV ngắn hạn. Nhưng vẫn phải biết cân bằng để tránh bị động trong hoàn cảnh rung lắc. Việc dùng 3/7, 4/6 hay 5/5, là tủy theo từng giai đoạn, tùy theo trình độ cũng như cảm nhận của từng người.

Tối hôm qua tôi có đưa ra câu hỏi khảo sát trong nhóm bạn FB của mình "Bạn có nghĩ là P/E trailing của một số mã bluechips dẫn dắt dòng Bank, CK, Thép, sẽ có mức tăng trưởng 20%-30% đến cuối năm 2021 hay không". Kết quả là có đến 80% câu trả lời là "Yes". Điều này chứng tỏ niềm tin vào TTCK vẫn còn rất lớn. Dù tôi và các bạn đều tin vào sự thật là các DN sẽ có thành tích lợi nhuận rất tốt trong quí 2 và cả năm 2021, nhưng chúng ta cần giữ được sự cân bằng. Chỉ khi đó, chứng khoán mới trở thành kênh đầu tư chuẩn mực, mang lại gái trị lâu bền, tài sản đích thực cho NĐT.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)