Giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu (Asset Value Per Share) của quĩ đầu tư là  gì?

Ở Việt Nam hiện danh sách những người giàu nhất (chính thức) cũng chủ yếu được tính bằng giá trị tài sản qua số lượng cổ phiếu. Những người như anh Long Hòa Phát, anh Vượng Vin, chị Thảo HD hay anh Hùng Anh Tếch, đều lọt vào danh sách nhờ giá cổ phiếu và số lượng nắm giữ tăng. Tuy nhiên, thằng bạn thân tôi luôn cười nhạt "Mấy ông giàu nhất VN là khác cơ, họ ẩn mình, mày chưa biết đâu". Thôi chuyện đó mình không biết, cũng không bàn đến.

Chứng khoán Việt nam còn quá non trẻ, cho nên cũng chưa có nhiều người hiểu và biết về TTCK. Tư duy cũng như quan niệm của đa số vẫn lỗi thời. Do bản chất đi lên từ "nông dân", chúng ta luôn coi đất đai (thửa ruộng) là tài sản máu thịt. Chắt bóp được đồng nào, dồn vào mua vàng, rồi được "mấy khoẻn", mấy cây, là đổi ngay ra đất, ra nhà. Đa phần ngoài xã hội hay nói "Bà đó giàu lắm, nhà đất bao la".

Chính vì quan niệm này, cho nên đa số vẫn chủ yếu tích lũy tài sản qua nhà đất. Đương nhiên các tỷ phú trên thế giới họ cũng sở hữu nhiều BĐS, nhưng tỷ trọng so với tổng tài sản là rất thấp. Còn ở Việt Nam chúng ta hầu hết đều tài sản lớn nhất là căn nhà mình đang ở. Còn nếu ăn chơi hơn thì sắm siêu xe như anh C. "đô la". Nói chung khi đánh giá sự thành công về mặt tài sản, người Việt nam chủ yếu nhìn vào những thứ bề nổi, dễ nhìn như Nhà đất, Xe cộ, Vàng, Tiền mặt, ...

Tôi có vài người bạn hồi trước làm FPT. Trong sự may mắn thủa ban đầu, họ sở hữu một số lượng cổ phiếu FPT, mỗi người cũng từ vài trăm cho đến vài triệu. Nhưng điều may mắn nhất là họ hầu như không bán. Dù đã có lúc cổ phiếu FPT rớt về vùng rất thấp. Mỗi khi cần tiền, họ bán đi một ít vừa đủ để chi tiêu. để mua nhà hay mua xe. Số lượng của họ cũng được duy trì, thậm chí tăng lên nhờ việc công ty trả cổ tức, phát hành thêm hoặc họ có dư tiền để mua thêm mỗi khi giá rẻ. Ông bạn "chây bửa" của tôi cũng hay phán "Chúng mày chỉ là giàu ảo thôi nhé, giữ toàn giấy, đốt một phát thành tro hết". Nhưng rõ ràng tinh thần của họ không lung lay. Mặc kệ thị trường biến động, mặc kệ nay đỏ mai xanh, họ vẫn nắm giữ số đó. Họ coi cổ phiếu là tài sản lớn nhất của họ.

Các cụ ta có câu "Phi thương bất phú". Như vậy, nếu không liên tục kinh doanh, liên tục đầu tư, liệu có giàu được không? Việc nắm giữ tài sản đầu tư một cách lâu dài, một cách căn cơ và kiên trì, chắc chắn sẽ thành công. Nhưng bên cạnh đó, cũng rất nên có những hoạt động thường xuyên.

Tôi đúc kết ra một phương pháp đầu tư khá hiệu quả, vừa thỏa mãn nhu cầu giao dịch, vừa đáp ứng việc làm giàu chính đáng cho NĐT. Đó là việc nghiên cứu thật kỹ một vài mã cổ phiếu, sau đó đầu tư với tỷ trọng tài sản cao, xác định chu kỳ từ 3-5 năm hoặc lâu hơn. Dùng chính số cổ phiếu này để vay (Margin). Số tiền vay này có thể tận dụng các cơn sóng thị trường, mua bán hợp lý, để mang lại lợi nhuận.

Sáng nay sàn HoSE lại bị "bệnh cũ", đơ bảng nghẽn lệnh từ sáng sớm. Nhiều bạn nhắn tin cho tôi "Nản quá anh ơi. Chắc bán hết không chơi chứng vịt nữa". Tôi cười và nói "Sao mình không suy nghĩ là may quá, được ngày khỏi nhìn Bảng điện, đỡ nhức mắt". Đó là nói vui và tích cực vậy, nhưng là NĐT, chúng ta cũng mong muốn hệ thống giao dịch được đảm bảo tối thiểu. Hy vọng FPT sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 7 này, để giúp sàn thông suốt.

Mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán là rất chính đáng, nhưng điều cao hơn là làm sao để 50% dân số hiểu CK không phải là "cờ bạc" ngắn hạn, không phải là "xèng". Nếu bạn đầu tư chứng khoán một cách nghiêm túc, với một tỷ trọng tương đối so với tổng tài sản cá nhân (gia đình), bạn sẽ không dễ dàng gì mà "bán tháo" trong một khoảnh khắc hoảng loạn nào đó. Rất khó để "chim lợn" có thể rung cây dọa khỉ được bạn. Bên cạnh đó, vẫn có thể để ra một số nhất định để trading, tạo cảm xúc chiến thắng bản thân, chiến thắng thị trường. Nhưng điều quan trọng nhất, hãy coi cổ phiếu là tài sản.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)