Cảnh báo độ nóng

Thỉnh thoảng chúng ta hay gặp ngoài đường biển báo "Đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn". Dù ít hay nhiều, những cảnh báo này giúp lái xe cẩn thận hơn. Thông thường họ dựng biển báo từ thống kê thực tế, ở những nơi đã từng có tai nạn do ý thức của tài xế. Không chỉ trong giao thông, chúng ta còn bắt gặp nhiều cảnh báo khác ở đủ mọi lĩnh vực. Cơ bản là khuyên người ta nên cảnh giác, có tư duy kiểm soát hành vi, không chủ quan, hưng phấn quá đà.

Bản chất thị trường chứng khoán (TTCK) là một thị trường phản ánh cung cầu của một loại hàng hóa đặc biệt, hay nói cách khác đó là thị trường vốn. Ngay từ tên gọi chúng ta cũng thấy yếu tố then chốt của nó là Vốn. Phải có vốn mới mua được cổ phiếu. Vốn bung ra càng nhiều, chi phí vốn càng rẻ, độ hot của cổ phiếu càng cao. Ở chiều ngược lại, nếu giả định nhà nước hay doanh nghiệp vì lý do nào đó, muốn bán vốn thì dĩ nhiên muốn bán với giá cao nhất. Trong điều kiện như hiện nay, dòng vốn rẻ toàn cầu, trong đó có Việt Nam tràn ngập, cộng hưởng với mục tiêu bán vốn của chương trình cổ phần hóa, thì việc chứng khoán lên ngôi cũng là điều dễ hiểu.

Chắc chắn là khi chứng khoán sôi động, độ nóng của thanh khoản, độ tăng của giá, sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư hưng phấn, say sưa mà quên đi các yếu tố quản trị rủi ro, quên xây dựng các kịch bản bất ngờ. Việc nhiều cảnh báo được đưa ra là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên nghe ai cảnh báo? Có hai loại người tôi nghĩ tuyệt đối cảnh giác, vì có thể làm ảnh hưởng sai lầm trong quyết định đầu tư. Một là các "Thần Gió", họ có thể mang danh hiệu gì đó, nhưng họ không ở trong thị trường, không phải là nhà đầu tư hay Tư vấn, không phải là thành viên cấu thành của thị trường. Bản chất họ là người đi ngang đường, có thể họ đã từng có chút ít kinh nghiệm quá khứ, nhưng thị trường biến đổi không ngừng, mỗi lúc mỗi khác. Họ cũng có thể là những chuyên gia rất giỏi trong một lĩnh vực liên quan mật thiết đến chứng khoán, nhưng TTCK lại có nhiều mặt, nhiều khía cạnh, cơ bản những điều họ nói"vô thưởng vô phạt". Loại người thứ hai là mấy ông "Lỡ Sóng". Đây là những người thất bại, đói thối mồm trong lúc chứng khoán mang lại thành công cho rất nhiều người khác. Loại này cũng sẽ cảnh báo liên tục, chỉ nhằm mơn trớn cái "Tôi" của họ. Chẳng may lúc nào đó họ sẽ đúng, họ sẽ ngừng cảnh báo.

Như vậy, chủ thể cảnh báo là rất quan trọng. nhiều chuyên gia rất giỏi, nhưng về cơ bản không hiểu thị trường lúc này. Dù sao cũng rất nên đọc họ, còn quyết định thế nào, thì không nên nghe họ. Các cụ có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", quả đúng vậy, nên nghe theo người thành công. Tôi luôn "hóng" theo những nhận định của những vị như Petry Deryng, Don Lam, Nguyễn Duy Hưng hay Dominic Scriven, vì đó những người có hiệu quả tuyệt vời trong lúc này. Ngoài ra, tôi cũng phải đi theo những nhận định mang tính định hướng cao từ "trển". Như Gs Vũ Bằng đã nêu "TTCK chưa hề có dấu hiệu bong bóng", hay quyết tâm cao độ phát triển thị trường trong 6 nhiệm vụ đối với thị trường chứng khoán nên tuân thủ.

Việc ứng xử trước những cảnh báo là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không kiên định, không tỉnh táo trước trăm nghìn thông tin, giá trị có, nhảm nhí cũng có, thì sẽ bị lung lạc và quyết định sai. Mà nếu sai lầm thì chỉ chúng ta chịu, mấy người kia họ có biết hay làm sao đâu. Cho nên hãy luôn cố gắng học hỏi, nâng tầm bản thân, để có thể lắng nghe được nhịp đập thị trường. Người thầy vĩ đại nhất chính là MR. Market.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)